Bình giảng bài thơ: Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi

Thứ tư - 25/12/2024 09:52
“Cửa biển Bạch Đằng ở sông Thủy Đường là danh thắng núi sông vào bậc nhất” (lời Nguyễn Trãi). Một vùng sông nước ngút trời, núi non sừng sững, cửa biển mở ra lồng lộng. Nơi đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, Lê Hoàn thắng Tống, Trần Quốc Tuấn thắng Nguyên Mông.
Nhà thơ Nguyễn Trãi đến cửa biển Bạch Đằng thi hứng trào dâng, ông đã sáng tác bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng) hào khí ngùn ngụt:

“Biển rung gió bấc thế bừng bừng,
Nhẹ cất buồm tha lướt Bạch Đằng.
Kình ngạc băm vàm non mấy khúc,
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.
Quan hà hiểm yếu trời kia đặt
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Việc trước quay đầu ôi đã vắng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”

Sức hấp dẫn của “Cửa biển Bạch Đằng” trước tiên là ở không gian, sông rộng, cửa biển mở ra bát ngát, gió biển lùa vào cửa sông, sóng lớn. Nhà thơ dong buồm dạo chơi trên cửa sông Bạch Đằng:

“Biển rung gió bấc thế bừng bừng
Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đàng.”

Hình ảnh cánh buồm của nhà thơ kéo lên là nét cuối cùng hoàn mỹ bức tranh “Cửa biển Bạch Đằng”. Cảnh vừa hùng vĩ với núi non, sông nước, cửa biển, vừa thơ mộng với hình ảnh mong manh của cánh buồm trước gió. Nhà thơ không nói lộ ra như Cao Bá Quát “núi non đã kỳ tuyệt, lại thêm ta đến đây”, nhưng từng chi tiết, từng hình ảnh thơ khiến cho người đọc nghĩ đến lời của họ Cao.

Dạo thuyền trên sông nước, nhà thơ quan sát quang cảnh Bạch Đằng. Nhìn vào đâu nhà thơ cũng thấy dấu ấn của lịch sử:

“Kình ngạc băm vàm non mấy khúc,
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.”

Những hình ảnh ẩn dụ “Kình ngạc băm vằm” vừa miêu tả được cảnh núi non hiểm trở vừa gợi lại những chiến tích chống xâm lăng của cha ông xưa. Quang cảnh như một bãi chiến trường với “Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”. Hình tượng thơ xứng với hào khí của người xưa, bộc lộ được niềm tự hào của tác giả đối với chiến tích Bạch Đằng.

Chuyển sang hai câu luận (5,6), tác giả suy tưởng về địa thế hiểm trở của núi non, về anh hùng hào kiệt của sông nước Bạch Đằng:

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt
Hào kiệt công danh đất ấy từng.”

Từ “hiểm yếu” dịch thoát mà hay. Trong nguyên bản chữ Hán là “bách nhị”, tác giả dùng chữ của Tư Mã Thiên khen địa thế của nước Tần là “bách nhị”, nghĩa là địa thế hiểm trở, quân ít có thể chống lại kẻ địch nhiều (hai người có thể địch nổi trăm người). Tác giả còn suy tưởng một cách thiêng liêng:

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt”

Trong văn chương mỗi khi hình ảnh trời xuất hiện đều tạo ra không khí thiêng liêng. Trong bài “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt cũng viết:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
(Núi sông nước Nam vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rõ trong sách Trời)

“Quan hà bách nhị do thiên thiết” này gắn liền với những anh hùng hào kiệt như Ngô Quyền (diệt quân Nam Hán thế kỉ IX), Trần Hưng Đạo (diệt quân Nguyên thế kỉ XIII). Từng chữ thơ thấm đẫm tinh thần tự hào của tác giả về non nước, về những bậc anh hùng hào kiệt đã có những chiến công lẫy lừng bảo vệ đất nước.

Từ cảm hứng lịch sử với giọng thơ hào hùng, nhà thơ chuyển sang dòng cảm nghĩ về thế sự với giọng bùi ngùi:

“Việc trước quay đầu ôi đã vắng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”

Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện một cách kín đáo nhưng cũng không giấu được sự thất vọng của nhà thơ đối với xã hội bấy giờ. Theo ông, những chiến công oanh liệt bảo vệ đất nước của cha ông, những anh hùng hào kiệt chỉ còn là chuyện cũ, chuyện của lịch sử. Còn thời đại của nhà thơ đang sống?. Một thời đại khởi đầu thật là oanh liệt, nhưng giờ đây chỉ còn một lũ quan bất tài, xiểm nịnh, ghen ghét người trung nghĩa. Nhà thơ viếng cảnh sông Bạch Đằng lòng bồi hồi khôn xiết:

“Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”

Nhiều nhà thơ đã đến cửa biển Bạch Đẳng lịch sử và đều có thơ để lại, nhưng có lẽ bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng) của Nguyễn Trãi là bài thơ hay hơn cả. Quang cảnh Bạch Đằng được miêu tả vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, tráng lệ. Những chiến tích của Bạch Đằng vừa là của anh hùng hào kiệt lại vừa là của khí thiêng sông núi. Cảm hứng lịch sử hòa quyện với cảm hứng thế sự khiến cho từng câu thơ có sự xôn xao ở bên trong và rung động lòng người đọc.

Bài Trắc Nghiệm, Nguyễn Đức Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bài học mới

Bài học trước

Môn học

bài thi đánh giá, bài văn phân tích tác phẩm truyện, trương hán siêu, Bình giảng bài thơ, bài văn tả cảnh, sống có đức, nguyễn trãi, phân tích bài thơ, câu tục ngữ, không uống rượu, Tự nhiên xã hội 3 Kết nối, đề cương vật lí 12, đề cương vật lí 11, Đề cương ôn tập, đề cương vật lí 10, Kể lại cuộc trò chuyện, tác phẩm Đời thừa, nhập vai nhân vật, Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ, tình huống sư phạm, cuộc thi chăm sóc mắt, Giáo dục QPAN 10 Cánh diều, phần mềm thiết kế, GDCD 6 Kết nối, lừa đảo trực tuyến, kiểm tra cuối học kì 1 Toán 2 Kết nối, kiểm tra cuối học kì 1 Tiếng Việt 2, đề thi học kì 1 toán kết nối, đề thi học kì 1 toán 2, phần mềm lập trình, Microsoft Powerpoint, Tiếng Anh 3 Global succes, câu nói khai sáng, sống hạnh phúc, Lịch sử 10 Kết nối, Hoá học 10 Kết nối, Sinh học 10 Cánh diều, Địa lí 10 kết nối, Công nghệ 6 sách kết nối, Âm nhạc 6 sách chân trời, Tiếng anh 3 Global success, UPU lần thứ 54, Toán 1 Chân trời, Đạo đức 5 Kết nối, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 6 Kết nối, Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết nối, triết lí nhân sinh, nhẫn để thành công, ngữ văn 6 chân trời, ngữ văn 6 kết nối, kể về một trải nghiệm, Khoa học tự nhiên 8 Kết nối, Công nghệ 6 Kết nối, Lịch sử và Địa lí 6 Kết nối, Tin học 6 Kết nối, Tiếng Việt 4 Chân trời, ngữ văn 7 chân trời, giải thích câu tục ngữ, ngữ văn 10 kết nối

Thành viên

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây