Bài tập 1. Đọc lại văn bản Thạch Sanh trong SGK (tr. 26 - 29) và trả lời các câu hỏi:
1. Hai đoạn đầu của truyện (từ Ngày xưa đến sống chung với mẹ con Lý Thông) cho biết những thông tin gì?
Trả lời:
Hai đoạn đầu của truyện (từ Ngày xưa đến sống chung với mẹ con Lý Thông) có những thông tin sau:
-Thời gian: ngày xưa.
- Nhân vật Thạch Sanh: mồ côi cha mẹ, nhà nghèo, sống trong túp lều dưới gốc đa, làm nghề đốn củi, có sức khoẻ hơn người, thật thà, tình cảm, dễ tin người.
- Nhân vật Lý Thông: làm nghề nấu rượu, luôn toan tính, mưu mô.
- Sự kiện: Lý Thông gạ Thạch Sanh kết nghĩa anh em, Thạch Sanh rời bỏ túp lều dưới gốc đa đến ở với mẹ con Lý Thông.
Như vậy, hai đoạn ngắn mở đẩu chứa đựng nhiều thông tin, gắn với sự phát triển của câu chuyện.
2. Hãy nêu những việc chính mà Thạch Sanh đã làm. Do đâu mà một số hành động của Thạch Sanh làm cho truyện trở nên hấp dẫn?
Trả lời:
-Trong truyện, Thạch Sanh đã làm những việc như sau:
+ Chấp nhận kết nghĩa anh em với Lý Thông và giã từ túp lều dưới gốc đa để về ở với mẹ con Lý Thông.
+ Nhận lời đi canh miếu thay cho Lý Thông, nửa đêm chém chết trăn tinh, xả xác trăn tinh khổng lổ làm hai, chặt đầu, nhặt bộ cung tên bằng vàng của trăn tinh.
+ Bị Lý Thông lừa dối để cướp công giết trăn tinh, Thạch Sanh về lại gốc đa, ngày ngày đi đốn củi.
+ Đại bàng cắp công chúa bay qua phía trên túp lều, Thạch Sanh dùng cung tên bằng vàng bắn trúng, và lần theo vết máu tìm được chỗ ở của đại bàng.
+ Nhận lệnh vua đi tìm công chúa, Lý Thông lại đến túp lều của Thạch Sanh để cậy nhờ. Thạch Sanh đã xuống hang giết đại bàng, cứu công chúa. Sau khi công chúa được đưa lên, Thạch Sanh bị Lý Thông hãm hại bằng cách dùng đá lấp cửa hang.
+ Thạch Sanh đi sâu vào hang, dùng cung tên bằng vàng bắn tan cũi sắt cứu con vua Thuỷ Tề, được vua Thuỷ Tề tiếp đãi rất hậu và được tặng một cây đàn.
+ Hồn trăn tinh và đại bàng hợp sức báo oán, Thạch Sanh bị vu vạ và bị bắt giam vào ngục. Trong ngục, Thạch Sanh đem đàn ra gảy khiến công chúa đang bị câm bỗng lại nói cười. Nàng xin vua cha cho gọi người đánh đàn vào cung.
+ Sau khi kể lại cho nhà vua nghe toàn bộ sự thật, Thạch Sanh được giải oan, được nhà vua gả công chúa cho.
+ Đối phó với hoàng tử các nước chư hầu, Thạch Sanh đem đàn ra gảy, khiến binh lính mười tám nước bủn rủn tay chân. Thạch Sanh thết đãi hàng vạn binh lính của mười tám nước bằng cơm trong một cái niêu, nhưng họ ăn mãi không hết.
- Một số hành động của Thạch Sanh làm cho truyện trở nên hấp dẫn vì:
+ Thứ nhất, đó là những việc phi thường, không ai làm nổi (giết trăn tinh, chém đại bàng cứu công chúa,...).
+ Thứ hai, có sự tham gia của đồ vật hoặc con vật có tính chất kì ảo (những con vật sống lâu thành tinh như trăn tinh, đại bàng; bộ cung tên bằng vàng, cây đàn, niêu cơm thần kì,...).
3. Cách đối xử của Lý Thông với Thạch Sanh thể hiện qua những ý nghĩ và việc làm nào? Em hãy chọn một số từ ngữ để nói về bản chất nhân vật Lý Thông.
Trả lời:
. Cách đối xử của Lý Thông với Thạch Sanh thể hiện qua những ý nghĩ và việc làm:
-Thấy Thạch Sanh khoẻ mạnh, Lý Thông nghĩ:" Người này khoẻ như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi bao nhiêu.".
- Lý Thông lừa Thạch Sanh lên miếu trăn tinh để nộp mạng thay cho mình.
-Thấy Thạch Sanh chém được trăn tinh, Lý Thông nói dối buộc Thạch Sanh đi trốn để mình đem đầu trăn tinh vào cung vua báo công, lĩnh thưởng.
- Sau khi nhờ được Thạch Sanh cứu công chúa từ hang đại bàng, Lý Thông cho quân lính lấy đá lấp cửa hang để giết Thạch Sanh.
Thâm độc, xảo trá, tham lam là những từ có thể dùng để nói về bản chất con người Lý Thông.
4. Theo em, những con vật và đồ vật có tính chất kì ảo đóng vai trò gì trong truyện Thạch Sanh?
Trả lời:
Truyện Thạch Sanh có hai con vật kì ảo: trăn tinh và đại bàng (những con vật sống lâu thành tinh).Trừ diệt những con vật có phép biến hoá và đáng sợ như vậy, Thạch Sanh mới xứng đáng là một người gan dạ, dũng mãnh phi thường. Những đồ vật như bộ cung tên bằng vàng, cây đàn, niêu cơm thần kì đã giúp Thạch Sanh làm nên những điều kì diệu. Tóm lại, những con vật và đồ vật có tính chất kì ảo làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, đúng với đặc điểm của truyện cổ tích.
5. Nghĩa của từ đau đớn ở hai trường hợp sau khác nhau thế nào?
a. Một hôm công chúa đang ngồi trên lầu cao bỗng bị một con đại bàng khổng lồ bay đến quắp đi. [...] Nhà vua vô cùng đau đớn, bèn sai Lý Thông đi tìm, hứa sẽ gả công chúa và nhường ngôi cho.
b. Mũi tên trúng vào cánh đại bàng. Nó đau đớn, quằn quại nhưng gắng sức bay về đến hang trong núi sâu.
Trả lời:
Nghĩa của từ đau đớn ở hai trường hợp có sự khác nhau:
-Trong câu a, sự đau đớn thể hiện ở mặt tình cảm, tinh thần. Công chúa bị đại bàng quắp đi, sự mất mát đó khiến nhà vua xót xa, không thể chịu đựng nổi.
-Trong câu b, đau đớn thể hiện ở mặt thể xác. Đại bàng quằn quại, không chịu nổi vì bị trúng tên của Thạch Sanh.