Bài tập 4. Đọc lại văn bản Sọ Dừa trong SGK (tr. 48 - 51) và trả lời các câu hỏi:
1. Căn cứ vào đâu để phân biệt lời người kể chuyện, lời nhân vật trong bản kể Sọ Dừa?
Trả lời:
Ở bản kể Sọ Dừa trong SGK, lời người kể chuyện và lời nhân vật được phân biệt nhờ các dấu hiệu sau: Lời người kể chuyện tự nó cất lên, không cần giới thiệu. Nhưng lời nhân vật thường đi kèm lời dẫn của người kể chuyện, lời dẫn được kết thúc bằng dấu hai chấm, sau đó xuống dòng, gạch ngang đầu dòng (-) rồi mới cho xuất hiện lời nhân vật.
2. Những chi tiết kì ảo nào gắn với nhân vật Sọ Dừa? Nêu thêm một số chi tiết kì ảo trong truyện.
Trả lời:
- Một số chi tiết kì ảo gắn với nhân vật Sọ Dừa:
+ Bà mẹ, do uống nước mưa trong cái sọ dừa mà có mang, đẻ ra một cục thịt đỏ hỏn, chỉ có mắt mũi, không có mình mẩy, tay chân.
+ Sọ Dừa thường lăn sau đàn bò để đi chăn bò.
+ Đi chăn bò, khi vắng người, Sọ Dừa biến thành chàng trai mặt mũi khôi ngô, ngồi võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ.
+ Gia đình vốn nghèo, nhưng chỉ sau một đêm, Sọ Dừa có đầy đủ lễ vật theo yêu cầu của phú ông.
+ Khi chia tay vợ để đi sứ, quan trạng (Sọ Dừa) giao cho vợ hòn đá lửa, con dao, hai quả trứng gà, sau này tất cả những vật đó đều giúp vợ phòng thân rất hiệu quả.
+ Ngoài ra, trong truyện còn có một số chi tiết kì ảo khác: Cô em út bị hai chị đẩy xuống biển, bị cá kình nuốt vào bụng đã dùng dao đâm chết cá, chờ khi cá trôi dạt vào một hòn đảo mới rạch bụng cá chui ra; con gà biết gáy thành tiếng người như một lời tho để gọi quan trạng;...
3. Phân loại các nhân vật trong truyện theo tiêu chí tốt, xấu. Nêu những biểu hiện tốt hay xấu của một nhân vật do em chọn.
Trả lời:
Nhân vật cổ tích thường phân thành hai tuyến tốt - xấu. Ở truyện Sọ Dừa, thuộc phía tốt có bà mẹ Sọ Dừa, Sọ Dừa, cô em út; phía xấu có phú ông, hai cô chị. Em có thể chọn bất cứ nhân vật nào, nêu cái tốt hay xấu thể hiện qua lời nói, hành động, suy nghĩ,... của nhân vật. Ví dụ: Cô em út hiền lành, tính hay thương người, tử tế với Sọ Dừa ngay cả trước khi tình cờ bắt gặp Sọ Dừa trong dáng vẻ một chàng trai khôi ngô tuấn tú... Ngược lại, hai cô chị thì kiêu kì, coi thường, hắt hủi người dị dạng; độc ác với em (lập mưu giết em để được làm vợ quan trạng);...
4. Khi Sọ Dừa mang đầy đủ lễ vật đến, phú ông hỏi ý ba cô con gái. Vì sao chỉ có cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa?
Trả lời:
Khi Sọ Dừa mang đủ lễ vật đến, phú ông hỏi ý ba cô con gái, chỉ có cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa. Sở dĩ như vậy bởi hai cô chị vốn coi thường, hắt hủi Sọ Dừa. Còn cô út không chỉ tính tình hiền lành, đối xử tử tế với Sọ Dừa, mà quan trọng hơn, một lần, cô tình cờ phát hiện Sọ Dừa trong hình dạng một chàng trai khôi ngô tuấn tú.
5. Quan trạng (Sọ Dừa) mở tiệc mừng sau khi trở về, mời mọi người đến chung vui, nhưng giấu vợ trong buồng không cho ra mắt. Dụng ý của việc làm ấy là gì?
Trả lời:
Khi về nhà, quan trạng mở tiệc mừng, mời mọi người đến chung vui, nhưng giấu vợ trong buồng, không cho ra mắt. Vì tưởng em đã chết thật, hai cô chị giả vờ kể lể, khóc lóc trước mặt quan trạng. Nhưng khi quan trạng gọi vợ ra, mặt đối mặt, hai cô chị bị bất ngờ, xấu hổ không biết trốn vào đâu. Việc làm này của quan trạng khiến hai cô chị lộ rõ bộ mặt giả dối và độc ác.
6. Cách kết thúc của truyện (chú ý 4 câu cuối cùng) gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời:
Truyện cổ tích thường kết thúc có hậu: ở hiền gặp lành, người ác bị trừng phạt. 4 câu cuối cùng của truyện đã hoàn thành chức năng phần kết của một truyện cổ tích: sự trừng phạt hoàn toàn thoả đáng, kẻ gây điều ác phải thấy được tội lỗi của mình, ở phần kết của truyện này, sự trừng phạt không tàn khốc. Dù sao cô út cũng không chết như ý đồ của hai người chị. Để cho hai người ấy tự thấy xấu hổ mà bỏ đi biệt xứ là một hình phạt hợp lí.
7. Cụm từ dị hình dị dạng được SGK chú thích: hình dạng khác biệt, không bình thường, ở đây, dị có nghĩa là khác, lạ; hình, dạng là dáng vẻ bề ngoài của đối tượng. Từ cách giải thích đó, em hãy suy đoán nghĩa của các từ: dị nhân, dị vật, dị thường.
Trả lời:
Từ cách giải thích cụm từ dị hình dị dạng trong phẩn chú thích ở trang 48 của SGK, ta có thể suy đoán nghĩa của một số từ có yếu tố dị với nghĩa là khác, lạ:
- dị nhân nghĩa là người khác thường
- dị vật nghĩa là vật lạ
- dị thường nghĩa là khác thường.
8. Trong câu "Từ ngày cô em út lấy được chồng Trạng nguyên, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để thay em làm bà trạng.", có thể thay từ định tâm bằng từ nào khác mà ý của câu vẫn không thay đổi?
Trả lời:
Trong câu "Từ ngày cô em út lấy được chồng Trạng nguyên, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để thay em làm bà trạng” có thể thay định tâm bằng rắp tâm hoặc định bụng mà nghĩa của câu vẫn không thay đổi.