Gợi ý:
- Nguồn thông tin cần tham khảo: bài học trong các SGK Tự nhiên và Xã hội, Khoa học tự nhiên; các cuốn sách và báo chí có nội dung phù hợp; các chương trình trên truyền hình, ra-đi-ô; chia sẻ của những người am hiểu vấn đề;...
- Khi đề cập sự giàu có của tài nguyên rừng, cần nói tới diện tích bao phủ của rừng, sự đa dạng của các loại hình rừng, số lượng các vườn quốc gia, sự phong phú của các chủng loại cây cối và động vật sống trong rừng,... Khi nói tới sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng, có thể lưu ý đến tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp; sự tuyệt chủng của nhiều loài cây quý; sự giảm thiểu số lượng loài động vật sống trong rừng; sự du nhập một số loài cây có ảnh hưởng tiêu cực đến độ màu mõ của đất rừng;...
- Phần kết của đoạn văn có thể nói về những nỗ lực hiện nay của Nhà nước và nhân dân nhằm bảo vệ tài nguyên rừng hoặc đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của sự suy giảm diện tích rừng.
Đoạn văn 1:
Tài nguyên rừng là một trong những điều đáng tự hào của đất nước ta. Với độ che phủ khá cao, rừng có vai trò như lá chắn, bảo vệ làng mạc, con người khỏi thiên tai, bão lũ. Ở Việt Nam, rừng được phân bố dựa theo địa hình, "chủ yếu là rừng rậm trên đồi núi và rừng ngập mặn ở vùng thấp ven biển". Nó mang đến cho ta biết bao nguồn tài nguyên quý báu, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Những khu vườn quốc gia rộng lớn không chỉ có vai trò bảo tồn động - thực vật mà còn giúp phát triển du lịch, kéo nền kinh tế đi lên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng diện tích rừng đang ngày một hẹp dần, kéo theo bao bất bập, tiêu cực đến Trái Đất. Vậy nên con người cần nhanh chóng khắc phục nạn chặt phá rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu này của nhân loại
Đoạn văn 2:
Rừng là ngôi nhà chung của tất cả chúng ta, của cả con người và các loài động vật, thực vật. Rừng không chỉ là lá phổi xanh của trái đất mà còn ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Trong rừng có rất nhiều loài động thực vật hoang dã, có giá trị kinh tế, nghiên cứu khoa học cao. Rừng còn là một địa điểm du lịch thú vị cho những người ưa thích khám phá mạo hiểm. Thế nhưng hiện nay rừng lại đang bị chính những người là bạn kia phá hủy một cách nghiêm trọng. Con người vì lợi ích kinh tế đã tàn phá rừng một cách bừa bãi mà không nghĩ đến việc trồng lại rừng. Những cánh rừng xanh chỉ trong chớp mắt đã biến thành những vùng đồi núi trọc, trơ ra những gốc cây gỗ vì chặt phá. Động vật chẳng còn nơi trú ngụ, thực vật chẳng thể sinh tồn và quan trọng hơn cả là hệ sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng. Chúng ta tàn phá rừng mà không hiểu rằng đang tàn phá chính cuộc sống của chúng ta. Việc bảo vệ rừng đang là một bài toán cấp bách cho các người dân cũng như các cấp chính quyền. Chúng ta hãy cùng chung tay để bảo vệ rừng, bởi đó chính là cuộc sống của chúng ta.
Đoạn văn 3:
Đất nước Việt Nam ta thường tự hào về "rừng vàng biển bạc" bởi sự giàu có và dồi dào của nguồn tài nguyên này. Quả thật, rừng mang đến cho con người không chỉ gỗ quý, các loài động - thực vật mà còn cả khoáng sản. Nó là "lá phổi xanh" giúp lọc sạch không khí cho Trái Đất. Nó là tấm "lá chắn" bảo vệ làng mạc khỏi bão lũ, thiên tai hay sự xói mòn của đất đai. Mặc dù đem lại bao lợi ích to lớn nhưng những cánh rừng vẫn bị đốt, chặt phá một cách không thương tiếc. Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, càng nhiều nhà máy, xí nghiệp xuất hiện thì diện tích rừng lại càng giảm sút. Con người đã khai thác nguồn tài nguyên này quá đà, khiến nó không kịp hồi phục, làm mất đi môi trường sống của biết bao loài sinh vật. Và chính cuộc sống của ta cũng bị điều này ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, để duy trì sự sống của nhân loại trên Trái Đất, ta cần dừng ngay những hành động gây nguy hại đến thiên nhiên. Các cấp chính quyền cần nghiêm khắc trừng phạt cá nhân, tập thể cố tình khai thác rừng bừa bãi, trái phép. Mỗi cá nhân cũng cần nâng cao ý thức của bản thân, chung tay bảo vệ rừng để hành tinh của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.