Tuần trước, cô giáo đã tổ chức cho lớp tôi thảo luận về đề tài: “Vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi người”. Các bạn, mỗi người một ý, bàn luận rất sôi nổi.
Tôi nhớ, ý kiến của Hồng Minh đã gây ra một cuộc tranh luận nhỏ khá thú vị. Bạn ấy cho rằng: “Gia đình cũng là một trường học”. Sau khi nghe Hồng Minh trình bày, có bạn phản đối: “Nếu vậy thì còn đâu sự phân biệt gia đình và nhà trường nữa, trong khi gia đinh - nhà trường - xã hội là ba môi trường khác nhau”. Lại có người chất vấn: “Hồng Minh nghĩ sao về những bạn có hoàn cành thiệt thòi, cơ nhỡ vì không được lớn lên trong một mái ấm gia đình?”.
Riêng tôi, sau khi suy nghĩ lại tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lí.
Đúng là trong cuộc sống, có những người kém may mắn, vì lí do nào đó mà ngay từ thuở ấu thơ, họ đã không được nuôi nấng, chăm sóc bởi bàn tay của những người thân. Đù được bù đắp bởi những tấm lòng nhân ái, họ vẫn thực sự thiệt thòi. Nhưng tôi nghĩ, những trường hợp như thế không chiếm đa số trong xã hội, do đó ý kiến của bạn Hồng Minh vẫn có sức thuyết phục.
Phần lớn mọi người đều có gia đình. Gia đình là nơi ta được sinh ra, lớn lên, được sống với những người ruột thịt. Ông bà, cha mẹ, anh chị không chỉ nuôi nấng, chăm sóc mà còn bảo ban, dạy dỗ ta bằng tấm lòng yêu thương trìu mến, niềm tin và hi vọng. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị chính là những “thầy cô” đầu tiên của chúng ta. Bài học đầu đời của ta đến từ những truyện cổ tích hấp dẫn, từ những câu ca dao trong lời mẹ hát, hay những câu tục ngữ bà dẫn ra trong lời nói hằng ngày. Đó là những bài học về đạo làm người, cách đối nhân xử thế nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía. Tôi nhớ, lần tôi mới vào lớp 4, có cô bạn của mẹ đến chơi. Cô hỏi khẽ: “Cháu học lớp mấy rồi?”. Tôi nhìn cô, giơ bốn ngón tay lên. Mẹ vội lên tiếng: “Con không được trả lời với người lớn như thế. Con lễ phép nói lại với cô đi”. Tất nhiên là tôi nghe lời mẹ và ngượng nghịu trả lời. Mấy năm đã trôi qua, nhưng giờ đây, mỗi lần nhớ lại cái cử chỉ giơ bốn ngón tay lên để trả lời người bằng tuổi mẹ mình mà như trả lời bạn cùng lứa, tôi vẫn thấy xấu hổ.
Trong gia đình, mọi người đối xử với nhau theo những chuẩn mực đạo lí có giá trị lâu bền. Tình mẹ con, tình cha con, tình anh em là những tình cảm đặc biệt cao quý, thiêng liêng. Cha mẹ sẵn sàng dành cho con cái tất cả gia tài vật chất và tinh thần, được gây dựng bằng công sức, mồ hôi nước mắt suốt một đời. Anh em, chị em một có thể chia sẽ, tương trợ nhau mà không tính toán thiệt hơn. Một thành viên lầm lạc trở về, người thân trong gia đình sẵn lòng tha thứ và đón nhận. Trong nhà có người ốm đau, bệnh tật, mọi người thực sự lo lắng, săn sóc. Như vậy, nếu coi gia đình là trường học, thì trước hết, đó là trường học của tình thương và bổn phận, của dâng hiến và hi sinh, của khoan dung và độ lượng.
Khi hiểu ra nhiều điều, tôi càng thấy ý kiến của bạn Hồng Minh là rất đúng. Quả thật, gia đình không chỉ là tổ ấm, mà còn là “trường học” đầu tiên của mỗi con người.
“Trường học gia đình” đồng hành và hỗ trợ cho ngôi trường nơi hằng ngày ta được học hành với thầy cô, bè bạn. Thật hạnh phúc khi mỗi chúng ta như hạt giống được ươm gieo từ giáo dục gia đình và nảy mầm, sinh trưởng tốt tươi trong môi trường giáo dục lành mạnh của xã hội.