Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là trong học sinh chúng ta đang sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, lai căng và bát nháo. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự gia nhập của các ngôn ngữ khác đã vô tình hay hữu ý làm cho tiếng Việt biến hóa thành một ngôn ngữ lạ lẫm, khác thường và lệch lạc.
Trong giao tiếp hằng ngày, thay vì dùng những chữ viết tiếng Việt đúng chuẩn, chúng ta lại biến nó thành một chữ khác lạ, ví dụ: ck (chồng, chuyển khoản); iu (yêu), bik (biết), ko (không), vs (với),… "M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i 0 l4i h0k th3m” (Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm) Và còn rất nhiều kiểu viết khác nữa mà có thể liệt kê ra cả trang giấy cũng không đủ. Sự lai tạp này do đâu mà có, vì sao nó lại được giới trẻ sử dụng phổ biến thường ngày như vậy?
Có thể nói rằng, thứ ngôn ngữ lai tạp này xuất phát từ việc học ngoại ngữ: Thí dụ, khi chúng ta học tiếng Anh, những phát âm trong bảng chữ cái Tiếng Anh đã ảnh hưởng đế cách phát âm đối với việc sử dụng tiếng Việt hằng ngày. Chẳng hạn như trong ngôn ngữ toán học của giáo viên, ví dụ: gốc ô (O) đúng phải đọc là gốc O, ABC (a bê xê) đúng phải đọc là a bờ cờ. Thứ hai nó xuất phát từ các tác phẩm điện ảnh, nhất là các tác phẩm hài kịch mà diễn viên hay nói các câu thoại gây cười, gây chú ý,… từ đó giới trẻ học theo và dần trở thành phổ biến. Chẳng hạn có một từ viết tắt là: vcl mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào giới trẻ đều áp dụng được (đẹp vcl, xấu vcl, giỏi vcl, ngu vcl, …), … mà vcl có nghĩa là gì tôi cũng không thể nào giải thích rõ ràng được.
Vậy chúng ta có thể giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hiện nay hay không?
Trong thời đại hội nhập này chúng ta đã quá dễ dãi với việc sử dụng ngôn ngữ ghép nối một cách tuỳ tiện, chính vì điều đó đã làm cho tiếng Việt càng ngày càng trở nên lai căng nửa Tây nửa Ta. Để giải quyết vấn đề này điều đầu tiên thì những người làm giáo dục phải ban hành bộ quy tắc nhất quán về việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn. Tiếp đến giáo viên sẽ căn cứ vào bộ quy tắc này áp dụng cho từng bộ môn giảng dạy của mình, thống nhất từ mầm non cho đến đại học. Thứ hai trong các tài liệu phim ảnh, tuyền thông đại chúng phải sử dụng bộ quy tắc chuẩn tiếng Việt, nghiêm cấm các hành vi cố tình lai tạp tiếng Việt. Thứ ba trong việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày chính phụ huynh học sinh phải gương mẫu sử dụng ngôn từ chuẩn mực đúng với bộ quy tắc tiếng Việt chuẩn.
Đối với học sinh chúng ta, việc nói không với sự lai tạp, biến dạng tiếng Việt càng trở nên cấp thiết hơn. Bởi một khi chúng ta đã quen với việc sử dụng tuỳ tiện tiếng Việt lai căng thì rất khó bỏ, nhiều lúc nó đã trở thành những câu cửa miệng phát ra thuần tuý khi giao tiếp với bạn bè. Nhất là khi các kênh mạng xã hội facebook, youtube,… ngày càng trở nên phổ biến và các nội dung bát nháo không được kiểm duyệt tràn lan nên rất khó để giải quyết triệt để. Hơn hết, mỗi học sinh chúng ta phải tự giác, tự ý thức được việc không nên dung nạp những ngôn từ không chuẩn này.
Tiếng Việt giàu và đẹp là nhờ công của ông cha ta ngày xưa đã giữ gìn qua bao nhiêu thế hệ, nhưng ngày này, chúng ta lại đạp đổ đi những gì họ gắng công để lại. Đó là một điều đáng tiếc! Do đó, dù bất cứ thế hệ nào đi nữa hay đất nước phát triển ra sao thì tiếng Việt vẫn giữ một vẻ đẹp và là một biểu tượng của dân tộc Việt Nam.